Lục Tỉnh Tân Văn (Đông Dương)

Lục Tỉnh Tân Văn (Đông Dương)




Số 1 của báo LTTV ra mắt độc giả ngày 15-11-1907, chủ nhân là ông François Henri Schneider, chủ nhân nhà in F.H. Schneider, lúc đó đã có 2 tờ báo ở Bắc Kỳ là các tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (xuất bản từ năm 1893), và Đăng Cổ Tùng Báo (xuất bản từ năm 1907).

Báo LTTV ra đời với các đặc tính như sau:

- Toà soạn: số 4 đường Amiral Krantz

- Định kỳ: mổi tuần ra một lần vào ngày Thứ Năm

- Khổ giấy: 16 trang, trên giấy khổ 19 x 28 cm.


- Biên tập: ông Schneider giao cho ông Pierre Jantet, một công chức Pháp, điều khiển tổng quát. “Ông Pierre Jantet đã cộng tác với một bộ biên tập toàn người VN, gồm các ông Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Trạc, Thọ An, Thiện Đắc, Giác Ngã…”

- Nội dung: tin tức về chính trị, kinh tế (canh nông, thương mại,vv), xã luận, tiểu thuyết (kể cả truyện dịch từ tiếng Pháp), quảng cáo, vv.

Lịch Sử Phát Triển Của Lục Tỉnh Tân Văn

- Qua đầu năm 1908, ông Schneider đã mời ông Trần Chánh Chiếu làm Chủ bút cho tờ LTTV (như vậy vào lúc đó ông Trần Chánh Chiếu làm Chủ bút cho cả 2 tờ báo, tờ LTTV và tờ Nông Cổ Mín Đàm). Ông Trần Chánh Chiếu, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Rạch Giá, sau một thời gian làm công chức, đã khẩn hoang đất ở huyện Giồng Riềng và trở thành đại điền chủ. Ông có quốc tịch Pháp nên cũng thường được biết dưới tên Gilbert Chiếu. Ông là một nhân vật cột trụ của Phong trào Duy Tân và Đông du tại Nam Kỳ, đã thành lập các cơ sở kinh tài như Nam Trung Khách Sạn ở Sài Gòn, Minh Tân Khách Sạn và Công Ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ ở Mỹ Tho, Hảng Xà bông Con Vịt (Savon Canard). Với Chủ bút Trần Chánh Chiếu, tờ LTTV, trong khoảng 50 số đầu, đã là “tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân, hướng theo cải cách, tự cường đang sôi động ở Bắc và Trung Kỳ… Ưu điểm nổi bật của Lục Tỉnh Tân Văn là đã dám cổ vũ lòng yêu nước, chống Pháp và bọn phong kiến tay sai, chống tư tưởng vong bản… Lục Tỉnh Tân Văn là tờ báo có uy tín nhất ở Nam Kỳ trong bước khởi đầu của nghề làm báo. Nhiều cây bút của xứ Bắc, Trung đã từng vào Sài Gòn học tập nghề làm báo ở tờ nầy, từ Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi đến Trần Huy Liệu, Tản Đà … Ngay Đông Dương Tạp Chí khi mới ra đời cũng phải ghi tên măng xét của mình là “Ấn bản đặc biệt của Lục Tỉnh Tân Văn cho xứ Bắc và Trung Kỳ. Vì lập trường nầy, tờ LTTV bị chính quyền Pháp theo dõi chặt chẻ và cuối năm 1908, Chủ bút Gilbert Chiếu bị Pháp bắt giam, và tờ LTTV phải chấm dứt đường lối chính trị tiến bộ đó.

- Vì chủ nhơn là người Pháp, ông F.H. Schneider như đã trình bày ở trên, tờ LTTV vẫn tiếp tục được xuất bản, với vị Chủ bút mới là ông Lương Khắc Ninh.12 Kể từ năm thứ tư (1910), số 142, ra ngày Thứ Năm 13-10-1910, nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Tuất, tờ LTTV có thêm Phần phụ lục gồm 12 trang. Qua năm sau, 1911, tòa soạn báo LTTV dọn về nhà số 7 Boulevard (Đại lộ) Norodom.13 Trong thời gian nầy tờ báo càng ngày càng tăng thêm phần tin tức về kinh tế, với nhiều bài vở về nền canh nông ở Nam Kỳ, đăng cả bảng thống kê về thương trường của Nam Kỳ, với các con số xuất cảng về lúa, gạo, tấm, tiêu, vv.. Đồng thời tờ báo cũng thay đổi định kỳ, lúc đầu ra mỗi tuần 2 lần vào các ngày Thứ Năm và Chúa Nhựt, sau đó tăng lên 3 lần, vào các “ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Giá bán mỗi số là 0,04 đồng.” Đồng thời, trong các trang quảng cáo, báo LTTV bắt đầu cho in hình đen trắng các món đồ vật được quảng cáo. Vào tháng 7/1913, tờ LTTV ra thêm một ấn bản cho Bắc Kỳ và đặt tên là Đông Dương Tạp Chí, theo như nguyên văn tin vui đã đăng trên trang nhứt của số báo 281, ra ngày 3-7-1913, như sau: “Hỉ Tín. Bổn báo chủ nhơn ra Bắc Kỳ mới thiết lập tờ phụ Lục Tỉnh Tân Văn đặt tên ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (chữ Quốc ngữ), ngày thứ năm mỗi tuần phát hành một số. Định giá bán: Mỗi năm là 6$00, Sáu tháng 4$00, Bán lẽ mỗi số 0$15. Quán tại đường Carreau số 20 Hànội. Trong Lục-châu ai muốn mua thì gởi bạc cho quán Lục Tỉnh Tân Văn cũng được.” 

- Sang đầu năm 1918, toà soạn báo LTTV được dọn về số nhà 162 đường Pellerin.15

- Năm 1919, tờ LTTV có một vị Chủ bút mới là ông Lê Hoằng Mưu.16 Cũng trong năm nầy, ông Schneider đã già yếu nhiếu, ông quyết định trở về Pháp để sống những năm cuối đời và nhượng lại tất cả những cơ sở thương mại của ông ở Bắc và Nam Kỳ cho chính phủ. Từ số báo 630, ngày 16-5-1919, nhằm ngày 27 tháng 4 năm Kỷ Mùi, trên măng-xét của tờ LTTV có ghi rõ như sau: Directeur politique (Giám đốc Chính trị) L. Marty. Đến số báo 633, ra ngày 4-6-1919, nhằm ngày 27 tháng 5 năm Kỷ Mùi, trên măng-xét của tờ LTTV, sau tên của L. Marty, có ghi thêm: Adm. Gérant: Nguyễn Văn Của. (Adm. = viết tắt cho chữ Administrateur; vậy Adm. Gérant tức là Quản Lý Hành Chánh, tức là Chủ nhiệm). Tòa soạn của báo LTTV được chuyển về số nhà 157 đường Catinat (1er étage = Lầu 1); địa chỉ mới nầy chính là nhà in Imprimerie de l’Union của ông Nguyễn Văn Của.

- Một năm sau, ông Nguyễn Văn Của điều đình và mua lại của chính phủ tờ báo LTTV. Từ số 727, ra ngày Thứ Sáu 30-1-1920, nhằm ngày 10 tháng 12 năm Kỷ Mùi, trên măng-xét của tờ LTTV chỉ còn tên ông Nguyễn Văn Của là Adm. Gérant. Vì là chủ nhà in / nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Của quen biết nhiều giới thương gia (nhờ đó số thu về quảng cáo ngày càng nhiều), ông lại có giao thiệp rộng với giới công chức nên tờ LTTV phát triển rất mạnh, số độc giả tăng lên rất nhiều, ngay cả số độc giả mua báo dài hạn. Một phần nữa cũng do một số tờ báo khác ở Nam Kỳ đã đình bản, sự cạnh tranh thương mại đối với tờ LTTV càng ngày càng giảm. Ông Nguyễn Văn Của nhìn thấy cơ hội phát triển mạnh hơn cho tờ LTTV, và với lợi thế là tờ LTTV được in tại nhà in riêng của ông, ông đã có một quyết định lịch sử: biến tờ LTTV thành một tờ nhựt báo.

- Với số báo 996, ra ngày 1-10-1921, nhằm ngày Mùng Một tháng 9 năm Tân Dậu, tờ LTTV kết hợp với tờ Nam Trung Nhựt Báo, nhưng vẫn giữ tên LTTV, trở thành một tờ nhựt báo với các chi tiết như sau:

· Giám Đốc – Chủ Nhân (Directeur – Propriétaire): Nguyễn Văn Của

· Chủ bút: Lê Hoằng Mưu

· Toà soạn: 157 đường Catinat, Sài Gòn

· Định kỳ: xuất bản mỗi ngày, trừ ngày lễ và Chúa Nhựt

· Số trang: 6 trang

· Nội dung: Xã luận, tin tức về chính trị (Việt Nam, Đông Dương và thế giới), tin tức về kinh tế (canh nông, thuơng mại, công kỷ nghệ), văn nghệ (thơ văn, tiểu thuyết dịch và tiểu thuyết Việt ngữ, vv), kiến thức tổng quát (lịch sử, địa lý, khoa học thường thức, vv.), giải trí (câu đố, chuyện cười, vè, vv.), và quảng cáo.

- Một vài năm sau, có lẽ do công việc tăng lên quá nhiều, ông Nguyễn Văn Của quyết định chỉ giữ vai trò Chủ Nhân và Tổng Lý thôi để lo các công việc chung cho tờ báo, và giao lại vai trò Chủ nhiệm cho một người thân tín đảm nhiệm, và người Chủ nhiệm mới đó là ông Lâm Văn Ngọ.

- Ông Lâm Văn Ngọ sẽ giữ vai trò Chủ nhiệm nầy trong suốt hơn 20 năm cho đến khi tờ LTTV đình bản vĩnh viễn vào năm 1944. Ông Lê Hoằng Mưu vẫn tiếp tục giữ vai trò Chủ bút. Từ năm 1935, trên măng-xét ở trang 1, số báo 4935, ra ngày Thứ Ba 2-4-1935, vẫn ghi ông Lâm Văn Ngọ là Chủ nhiệm, nhưng có ghi thêm: “Gởi bài vở cho ông Lâm Văn Ngọ.” Có 2 việc cần nhận định về câu ghi chú nầy: 1) việc nhận bài vở là công việc của ông Lê Hoằng Mưu, Chủ bút, như đã từng ghi rõ trong các số báo trước đó; 2) số báo nầy không còn ghi tên ông Lê Hoằng Mưu làm Chủ bút nữa. Hai điều nầy có nghĩa là rất có thể ông Lâm Văn Ngọ đã được giao cho kiêm nhiệm luôn chức vụ Chủ bút của tờ LTTV. Trụ sở cuối cùng của Tòa soạn bào LTTV là tại số nhà 13 đường Lucien Mossard, gần bên trường Taberd.

Tờ LTTV tiếp tục phát triển và trở thành tờ nhựt báo quan trọng nhứt của Nam Kỳ trong Đức chiếm đóng, chính phủ Pháp dưới quyền của Thống Chế Philippe Pétain (người anh hùng của trận Verdun trong Thế Chiến I) chỉ còn quyền cai trị phần phía Nam lãnh thổ Pháp. Giao thương giữa thuộc địa Đông Dương và mẫu quốc Pháp ngày càng khó khăn, kinh tế Đông Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Về phương diện in ấn, xuất bản, giấy in sách báo ngày càng khan hiếm. Tờ LTTV chỉ còn ra có 2 trang mỗi ngày. Sau 5 năm cố gắng cầm cự (trong khi phần lớn những báo khác đã đình bản), tờ LTTV ra số cuối cùng, số 7741, ngày Thứ Bảy 30-9-1944, với Kính cáo cùng chư quí bạn đọc như sau: “ … Nhưng nạn chiến tranh cứ kéo dài thêm, vật liệu cần thiết trong xứ càng thấy thiếu hụt. Vì vậy các nền thương-mãi kỷ-nghệ nào khác, cho đến nghề xuất bản báo chí như chúng tôi cũng đã thấy giải nghiệp lần hồi. Tờ báo Lục-Tỉnh Tân-Văn chúng tôi đã ráng sức chịu đựng cho đến ngày nay, rồi cũng chẵng không cùng chung một số phận ấy: cái nạn khan giấy. Vậy chúng tôi kính xin thanh minh cùng các nhà đăng quảng cáo và quí bạn đọc thân yêu bấy lâu đã giúp cho đứng vững, chúng tôi tạm biệt một thời gian…”

(Nguồn : Nam Kỳ Lục Tỉnh)


Link tải / đọc online (Nguồn : Quán Ven Đường / Huỳnh Chiếu Đẳng)



0 comments:

Post a Comment