Cờ Giải Phóng (VNDCCH)

Cờ Giải Phóng (VNDCCH)


Báo Cờ Giải Phóng, Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10-10-1942. Số 33 là số cuối cùng ra ngày 18-11-1945. Tổng Bí thư Trường Chinh là người trực tiếp phụ trách đồng thời là cây bút chính luận chủ yếu của báo.

Thời kỳ xuất bản bí mật trước cách mạng tháng Tám 1945, Cờ Giải Phóng ra được 15 số (số 15 ra ngày 17-7-1945), in li-tô trên giấy xanh nhạt khổ 27x38cm, số lượng in ít vì chủ yếu lưu hành trong nội bộ Đảng. Thời kỳ này số sau cách số trước không có kỳ hạn nhất định: số 2 cách số 1 hơn 10 tháng, số 3 cách số 2 gần 6 tháng, số 4 cách số 3 hơn 4 tháng…Từ số 1 đến số 10 báo ra 4 trang, từ số 11 ngày 25-3-1945 báo ra 2 trang. Nội dung báo Cờ Giải Phóng thời kỳ này thường tập trung vào một số vấn đề sau: Phổ biến đường lối, chính sách lớn của Đảng, nhiệm vụ trước mắt của các cấp bộ Đảng và Đảng viên, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng về tư tưởng và tổ chức, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa phát xít và bè lũ tay sai, tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa, phản ánh những diễn biến quan trọng trên chính trường quốc tế và cuộc Đại chiến II…

Thời kỳ sau cách mạng tháng Tám 1945, Cờ Giải Phóng xuất bản công khai tại Hà Nội từ số 16 ra ngày 12-9-1945 đến số 33, số cuối cùng ra ngày 18-11-1945. Báo in ti-pô trên giấy trắng đẹp khổ 27x38cm, mỗi số 4 trang, ra đều đặn mỗi tuần hai số vào thứ Năm và Chủ Nhật, phát hành rộng rãi với số lượng lớn. Bài vở đăng trên báo Cờ Giải Phóng thời kỳ này thường tập trung vào các nội dung sau: Khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam sau cách mạng tháng Tám 1945, ủng hộ, bảo vệ Nhà nước dân chủ và Chính phủ Lâm thời mới được thành lập sau cách mạng tháng Tám, lên án thực dân Pháp gây hấn tái xâm lược Việt Nam, biểu dương tinh thần kháng chiến của đồng bào Nam bộ, phát động cả dân tộc sẵn sàng chống quân xâm lược bảo vệ nền độc lập mới giành được, cổ vũ, biểu dương các phong trào yêu nước sôi nổi trong toàn quốc như Tuần lễ vàng, tấc đất tấc vàng, nhường cơm sẻ áo, một nắm khi đói bằng môt gói khi no, bình dân học vụ…

Ngay sau khi báo Cờ Giải Phóng ra số cuối cùng ngày 18-11-1945, Trung ương Đảng (lúc này Đảng đã rút vào hoạt động bí mật) quyết định xuất bản báo Sự Thật để tiếp tục nhiệm vụ của Cờ Giải Phóng. Ngày 5-12-1945, tờ Sự Thật số 1 với tư cách là Cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương chính thức ra mắt quốc dân tại Hà Nội.

Báo Cờ Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản những năm 1941-1945 ra tất cả được 33 số. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện còn lưu giữ được 12 số báo Cờ Giải Phóng, đó là các số: 2,3,4,5,6,8, 10,11,12,13,14,15.

Năm 2007, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng kết hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành rộng rãi ấn phẩm công bố toàn bộ nội dung 32 số báo Cờ Giải phóng hiện lưu giữ tại hai cơ quan (thiếu số 1 vì chưa sưu tầm được).
Link /tải đọc online (Nguồn : Thư Viện Quốc Gia Việt Nam)


0 comments:

Post a Comment