Dân Chúng (VNDCCH)

Tuần báo DÂN CHÚNG (VNDCCH)

Báo Dân Chúng, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản công khai không xin phép tại Sài Gòn trong những năm cuối của thời kỳ vận động Dân chủ Đông Dương.

Báo Dân chúng được tổ chức và xuất bản dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Hà Huy Tập. Dân Chúng số 1 ra mắt bạn đọc ngày 22-7-1938 tại Sài Gòn. Trong hơn một năm tồn tại, báo Dân Chúng ra được 80 số. Số 80, số cuối cùng, ra ngày thứ tư, 30-8-1939.

Dân Chúng là tờ báo công khai, in ốp-sét đẹp. Thông thường mỗi tuần báo ra hai số vào thứ ư và thứ bảy (riêng thời gian từ số 58 đến số 64, báo ra hàng ngày, sau đó lại ra một tuần hai số). Từ số 1 đến số 9 in trên giấy khổ 30cm x 44,5cm. Từ số 10 đến số cuối cùng in trên giấy khổ 37cm x 54cm. Số trang nhiều, ít của mỗi số báo cũng có thay đổi. Bộ sưu tập báo Dân Chúng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thiếu số 14. Trong 79 số hiện có, 69 số 4 trang, 8 số 2 trang, 1 số 6 trang và 1 số 28 trang. Trong số đó có một số xuân 1939, 28 trang; 3 số đặc biệt: số 28 kỷ niệm 21 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, số 41 kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, số 74 kỷ niệm 1 năm ngày ra báo Dân Chúng. Số lượng của báo Dân Chúng tăng từ 2000 bản mỗi số lên 4000 bản, rồi 6000 bản, 10.000 bản, cao nhất là số Xuân 1939 có số lượng phát hành tới 15.000 bản. Hồi đó, một tờ báo có số lượng như vậy là rất lớn.

Thời gian đầu, tòa soạn báo Dân chúng đặt tại nhà số 43 đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm), sau chuyển tới nhà số 51E đường Colonel Grimaud (nay là đường Phạm Ngũ Lão). Thường xuyên làm việc tại tòa báo có các đồng chí: Dương Trí Phú, Trần Văn Kiết, Huỳnh Văn Thanh, Hoàng Hoa Cương, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Văn Kỉnh…các đồng chí đó vừa là người quản lý tài sản, biên tập bài vở, tiếp bạn đọc, sửa bản in, đi nộp lưu chiểu và cả thay nhau đi chợ, nấu ăn. Báo Dân Chúng được in ở ba nơi: Nhà in S.A.T.I, Nhà in Bảo Tồn, và Nhà in Xưa Nay.

Nội dung các bài đăng trên báo Dân Chúng phản chiếu trung thực sinh hoạt chính trị ở Đông Dương và trên thế giới trước thềm chiến tranh thế giới lần thứ II, những vấn đề thời sự liên quan đến vận mạng dân tộc và thế giới, chủ nghĩa phát xít với nguy cơ đại chiến đang tới gần và cuộc đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đòi tự do dân chủ. Bên cạnh đó, báo đăng tải nhiều bài phổ biến, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng trong từng thời kỳ, động viên và hướng dẫn quần chúng tổ chức đấu tranh đòi chính quyền thuộc địa thực hiện những yêu cầu tự do, dân chủ, đòi cơm áo, hòa bình. Báo cũng có nhiều bài đòi tự do lập các Hội ái hữu và nghiệp đoàn, tự do hội họp và biểu tình, đòi thả tù chính trị, cải cách chế độ tuyển cử, Hội đồng dân biểu và đòi cải thiện đời sống cho nhân dân…Dân Chúng là một trong hai tờ báo Đảng ở trong nước thời kỳ 1936-1939 được Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi bài về đăng.

Trong 13 tháng tồn tại, Dân Chúng đã phải 4 lần thay đổi người quản lý Tòa báo vì kẻ thù khủng bố. Đặc biệt, ngày 7-3-1939, chính quyền thuộc địa đã bắt giam tất cả những người làm ở tòa soạn và tịch thu tài sản của báo.
Bộ sưu tập báo Dân Chúng đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động tại Hà Nội in thành ba tập sách toàn bộ các bài đăng trên báo vào năm 2000 để phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Nguồn : Thu Hà (Phòng TBNG&KGTN)

0 comments:

Post a Comment