Sunday, July 24, 2011

 

có lũ kỷ niệm...truớc, sau

Nhân nghe Thu Phương biểu diễn Nghìn Trùng Xa Cách trong Paris By Night 103

*
Hôm nọ có xem qua bài viết, hình như của "Cô gái đồ long" bình luận về cú kinh doanh thất bại của Phương Nam Phim qua phi vụ Phạm Duy. Đại khái, "ngày trở về" của ông Phạm Duy được khuyến cáo chỉ nên coi là một chuyện bình thường chứ không xứng để coi là một sự kiện lớn.

Đọc hồi ký của ông Pham Duy thì cũng đủ thấy cuộc đời ông là một trong những đại diện tiêu biểu của những mảnh đời Việt trong lịch sử hiện đại. Kháng chiến chống thực dân Pháp, di cư vào Nam, sống và chống cộng sản cho đến 1975. Di tản qua Mỹ và tiếp tục chống cộng sản. Cuối đời trở về sống dưới chế độ ...cộng sản. Một con người như thế mà không bị đạn bắn tứ tung giữa lằn ranh hận thù tư tưởng thì mới lạ. Cá nhân tôi không thấy ông Phạm Duy giả tạo là mấy. Ông là một nhạc sĩ, là một thiên tài và là một ...con người. Con người thì chỉ thật với từng giai đọan trong đời sống vốn dĩ đầy giả tạo. Một con người mà thật và đẹp từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay chắc chỉ được in trên sách mô tả vài người thuộc vài xứ như ...Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Ông Phạm Duy bình thiên hạ bằng những bài tình ca. Việc tề gia ông cũng rất khéo. Qua bao thăng trầm vẫn nuôi con khôn lớn và đều thành đạt, Có hàng tá nhân tình nhưng chẳng người nào ghét bỏ ông suốt cuộc đời. Đến khi tóc bạc răng long vẫn ngồi thưởng thức và hái ra tiền từ những tác phẩm của mình.  Quá lý tưởng và đầy mãn nguyện cho một kiếp nhân sinh.

**
Tôi thích ca từ ông Phạm Duy hơn ông Trịnh Công Sơn dù cả hai ông đều là thiên tài. Mỗi bài thơ-nhạc của ông Duy là một sự xuyên suốt trong khi của ông Sơn tản lạc và mông lung ngay trong từng câu và từng đoạn. "Tình" trong ca từ của ông Sơn mang chất Thánh còn của ông Duy thì đời hơn, người hơn. Ông Sơn khiến người nghe phải cùng suy tư và hoang mang với những câu tự hỏi cuộc đời này là gì còn ông Duy thì hướng mọi người cùng ông chiêm nghiệm lại cuộc sống.

Rât nhiều câu của ông Duy nghe đơn giản nhưng cái ý tỏa ra bao la hết sức. Chẳng hạn như câu "Cho tôi lại từ đầu, chưa đi vội về sau" trong bài "Kỷ niệm". "Chưa đi vội" không chỉ là để hoài niệm những ký ức đẹp mà "chưa đi vội" còn tránh những tiếc nuối mãi hoài. Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng đã từng có khoảnh khắc "đi vội" để rồi phải ân hận cả một thời gian dài hoặc có khi là cả cuộc đời. Có những việc, hành động, suy nghĩ v.v... chỉ cầm "chậm lại" một chút đủ để thay đổi cả số phận cho mình lẫn người khác.

Hay trong bài "Nghìn trùng xa cách", cả chục triệu người chắc chỉ viết nổi "những kỹ niệm" nhưng chỉ riêng ông mới có thể đặt bút là "lũ kỷ niệm". "Lũ kỷ niệm" có khi như cơn bão lòng, có khi như con sóng nhấp nhô tùy lũ lớn lũ nhỏ. "Lũ kỷ niệm" cũng tưởng như hình ảnh "lũ trẻ" lon ton ù té bước thấp, bước cao nhanh nhanh, chậm chậm. Dễ thương hết sức.

Có lũ kỷ niệm...truớc, sau!
Share:

0 comments:

Post a Comment