Sunday, July 17, 2011

 

Nghìn trùng xa cách

 

Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời 
Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người

Coi PBN 103, các cụ lão lủ khủ ra kể những giai thoại tình ca vừa thấy buồn, vừa thấy vui. Nếu cứ lý trí mà xét thì chắc các cụ sẽ bị giới nữ ném cả chục tấn ...đá vì chẳng có gì hay ho với những người thân hiện tại để mà hoài niệm những nhớ thương, thương nhớ cả hàng chục năm. Một trong những thông điệp của series Lost mà tôi rất thích là tất cả những gì xảy ra, những con ngừơi ta gặp gỡ, dù là thoáng qua, hay có mối gắn bó sâu đậm đều là một sự sắp đặt định sẵn (kiểu như nhân duyên của châu Á). Thế nên, xét trong cái riêng, cái tôi của mỗi người thì những kỷ niệm, những gì đã qua dù buồn hay vui, dù xấu hay tốt đều đáng để trân trọng cất giữ và đó là những món quà của cuộc sống.

Nhìn nhạc sĩ Thanh Sơn trong cơn bạo bệnh vẫn cố gắng nói " ...xin trả hết về cho người. cám ơn em đã cho tôi, tặng tôi những vết thương của tình yêu..." mới thấy được sức tàn phá mãnh liệt của chữ tình. Thảo nào mà Trịnh Công Sơn phải viết "Tình yêu như trái phá..." còn Trư Bát Giới trong phim chế Hồng Kông suốt ngày nghêu ngao "Đa tình tự cổ không dư hận..." mà không muốn thành Phật. 

"Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui, lời khóc lời cười, trả hết cho người, cho người đi..." hay "mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ, những khi mình mặn nồng..." đúng với mọi chuyện tình trên thế gian. Chia tay thì muốn trả hết cho nhau kể cả ...thời gian chỉ để không vấn vương. Chia tay dù với bất cứ lý do gì thì bao giờ cũng là những lời trách móc đến cay độc, để sau đó bình lặng trong tâm hồn thì mới nhớ đến nhau thât đẹp.

Công nghệ hiện đại (chat, fone, webcam) ngày nay có thể khiến ngừơi ta yêu nhau chớp nhoáng chỉ trong vòng vài tháng dù ở cách xa 2 bên đầu đại dương nên những lá thư tình kiểu Trịnh Công Sơn thật sự không còn phù hợp. Những câu chuyện tình sến đẫm lệ  không mài ra gạo mà ăn, không biến ra túi LV mà đeo được. Ta quay cuồng trong vũ điệu kiếm tìm vật chất hiện thực và đắm chìm trong những giấc mơ riêng mình về những điều không có thật. Vấn đề nan giải khi tìm kiếm giá trị MỸ trong cuộc đời.

Đứng về góc độ xã hội học, cho dù mơ hồ không thực tế nhưng nếu giá trị MỸ được coi trọng ( hay tuyệt vời nhất là cả CHÂN-THIỆN-MỸ) và được số đông coi là đích của cuộc sống thì làm được gì? Chí ít là sau một đêm ân ái, những vần thơ "da em trắng, anh chẳng cần ánh sáng" chắc sẽ nhiều hơn những clip quay trộm bung lên mạng. Sau một cuộc chia tay ,những lời tự sự kiểu "em đi qua đời anh, không nhớ gì sao em?" sẽ nhiều hơn là những lời phỉ báng nhục mạ hay tệ hơn là ...cứa cổ nhau. :D

**

Cuối tuần với "Rabbit Hole", một phim rất khó nuốt. Nicole Kidman vẫn là một trong những phụ nữ hấp dẫn nhất thế giới trong trái tim triệu triệu gã đàn ông.
Share:

0 comments:

Post a Comment